Tìm kiếm

Tháp Nhạn Phú Yên

Tuyệt vời(0 đánh giá)
5
Vị trí
5
Chất lượng
5
Phục vụ
5
Không gian
5

Khám phá Tháp Nhạn Phú Yên

Tháp Nhạn Phú Yên một trong những biểu tượng của người dân Phú Yên được nhiều người biết đến. Vẻ đẹp và nét kiến trúc độc đáo của Tháp Nhạn sẽ làm xiêu lòng du khách khi tới đây

Tháp Nhạn (TP Tuy Hòa, Phú Yên) được xây dựng khoảng thế kỷ 12, là một trong những tháp Chăm còn khá nguyên vẹn, tiêu biểu cho nền văn hóa Chăm Pa. Tháp được xây dựng ở sườn đông ngọn núi Nhạn, cao 64 m so với mực nước biển. Do có rất nhiều chim nhạn sinh sống, làm tổ nên nơi đây được đặt theo tên của loài chim này. Sự ra đời của tháp bắt nguồn từ câu chuyện tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần. Bà chỉ dạy cho người dân sống ở vùng đất này tất cả mọi thứ từ cấy cày, dệt vải, kéo sợi… để có cách mưu sinh. Sau khi tiên nữ quay trở lại cõi tiên, người dân Chăm Pa vì thương nhớ và muốn khắc ghi công ơn người khai sáng cho dân tộc mình nên xây tháp để phụng thờ.

Tên gọi “Tháp Nhạn” thì người dân ở đây có giải thích rằng là do có rất nhiều chim nhạn bay tới đây sinh sống, làm tổ nên ngọn tháp. Dần về sau, nơi đây cũng được đặt tên theo tên của loài chim này.

Xem thêm:Tour Khám Phá City Tour Phú Yên Hấp Dẫn

Phần di tích kiến trúc tháp Nhạn được xây dựng gồm có 3 phần: Đế tháp, thân tháp và mái tháp với chiều cao khoảng 24 m. Đế tháp hình vuông, thân tháp được xây to ở phần chân và thu nhỏ dần về phía đỉnh.

  • Mái tháp cao khoảng 8,5 m, bốn góc là các tai trụ trông như các búp sen, phần đỉnh là hòn đá lớn nguyên khối biểu tượng của linga. Linga là sinh thực khí nam, tượng trưng cho thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo.
  • Tháp Nhạn được xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung xếp khít nhau rất vững chắc. Theo nghiên cứu, loại gạch này nhẹ nhưng độ bền, chịu nén, va đập gạch cao hơn gạch thường. Cho đến nay, việc tìm hiểu về cach pha trộn loại keo để gắn kết các viên gạch chắc chắn và không lộ ra chút đường hồ nào vẫn còn bí ẩn.
  • Mặt đế và thân tháp được xây dựng đều hình vuông, ý nghĩa tượng trưng cho đất. Tại đế tháp, các hàng gạch phía trên được xây dựng lùi vào so với hàng bên dưới, cứ như thế thu nhỏ dần rồi bám vào phần thân.
  • Thân tháp ngang 10,5m, cao khoảng 9,3m. Tường xây thẳng đứng, bổ trụ ở 4 góc, tạo gờ lồi lõm ở hai mặt bên và mặt sau. Thân tháp là sự gắn kết giữa phần đế và phần mái của tháp, thể hiện cho tư tưởng thiên – địa – nhân.
  • Bên trong tháp là một khoảng trống với chiều dài 4,5m, nền tháp cao 1,8m so với sân bên ngoài. Việc bài trí thờ cúng bên trong cũng rất đơn giản, không xây bệ thờ, chỉ làm bàn thờ bà Chúa Thiên Yana nhìn ra cửa. Toàn bộ tháp từ móng, đế, thân, cho đến mái tháp đều được xây bằng gạch đặc, chỉ có linga là bằng đá.

Với sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu xây dựng, cùng với những đường nét kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc Chăm pa xưa, đã tạo cho tháp một dáng vẻ thanh thoát và tuyệt mỹ. Cho dù oằn mình trải qua bao nhiêu năm tháng đi chăng nữa, tháp Nhạn vẫn đứng uy nghi sừng sững như một nhân chứng sống cho lịch sử, lúc trầm mặc dưới mưa bay, khi thì rực rỡ trong ánh chiều tà, hay lại lung linh khi màn đêm buông xuống.

Vẻ đẹp của Tháp Nhạn chính là sự hòa quyện giữa hơi thở đến từ tự nhiên cùng nét cổ kính tâm linh của công trình kiến trúc cổ xưa. Có lẽ vì lý do đó, khi nhắc tới Tuy Hòa, người dân nơi đây thường rất tự hào và nhắc tới tháp như một biểu tượng đẹp, đầy sức hút.

Hàng năm, cứ vào Rằm tháng Giêng người dân lại náo nức rủ nhau lên đây để ngâm thơ và được nghe ngâm thơ ở lễ hội Đêm Thơ Nguyên Tiêu. Núi Nhạn còn là địa điểm trình diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ người dân và đặc biệt là màn bắn pháo hoa đầy màu sắc trong thời khắc giao thừa.