Tìm kiếm

Nghê Thuật Dân Ca Bài Chòi Phú Yên

Thưởng Thức Dân Ca Bài Chòi Phú Yên

Trong tiết trời se lạnh chiều đông, những người mộ điệu dân ca - nhạc cổ từ các CLB trong tỉnh hay khách vãng lai đều có thể thưởng thức những trích đoạn cải lương, những làn điệu bài chòi tại quán cà phê Sao Biển (phường 7, TP Tuy Hòa). Không chỉ là sân chơi bổ ích mà đây còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người đam mê đờn ca tài tử, dân ca bài chòi; góp phần gìn giữ âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Nghệ thuật bài chòi Phú Yên

Câu hát bài chòi như mạch suối nguồn để người dân Trung Bộ tỏ bày những tâm tư, tình cảm. Dẫu ở sân chơi dân gian hay trên sân khấu chuyên nghiệp, bài chòi luôn có sức hút bởi hết sức độc đáo và đặc sắc.

Không ít người đã cùng nhau nhắc nhớ và gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này của dân tộc để vào dịp tết nhất, hội hè, những làn điệu mộc mạc của quê hương miền Trung lại vang lên...

Hát bài chòi Phú Yên

Nét độc đáo bài chòi Phú Yên

Ông Trần Đông ở xã An Hiệp (huyện Tuy An) thường được bà con lối xóm gọi bằng cái tên thân thương là ông Dư. Tròn 10 năm làm anh Hiệu, ông Dư say mê, hào hứng xướng lên những câu bài chòi hóm hỉnh, lôi cuốn người nghe trong các dịp hội, lễ làng. Anh Hiệu - ông Dư cầm ống thẻ xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài và hô: Ôi chao quả thật lạ kỳ/ Thùng phuy sao lại biết đi giữa đường/ Khi không mà lại ngứa mồm/ Gặp tay sáu mập liệu hồn nghe không, là con sáu mập.

Xem thêm:Nhum biển

Liên hoan nghệ thuật bài chòi Phú Yên

Theo ông Dư, chơi bài chòi xưa lắm công phu. Chòi được dựng cao khoảng 1,5m, có thang bắc lên. Ở trên chòi có đặt tấm đăng để chắn trước, mái được lợp chủ yếu bằng lá thiên tuế. Mỗi bên có 5 chòi, bên cạnh đặt một cái bàn, một cái phản và một cái trống to phục vụ bộ phận chức việc bán thẻ, lập hội... Đối diện là chòi trung dành cho người già và các vị chức sắc, phú hào trong làng. Mỗi lần mở hội, tiếng trống “thùng, thùng” rộn vang khắp làng, giục giã già trẻ gái trai xem hội. Ngày trước mở hội bài chòi, mỗi lần người ta chỉ bán một bộ 11 con bài lớn với 33 con bài nhỏ. Đến 10 lần như vậy là hết một hội và sau đó tiếp tục hội khác. Đặc biệt, bộ bài căn bản dựa trên bộ bài tam cúc của người Huế. Bộ bài này gồm 30 con, hai bên có 60 quân.

Các thẻ bài chòi

Sau khi người chơi ngồi ngay ngắn trong chòi và buông rèm, ban tổ chức bắt đầu lập hội bằng cách ghi danh những người tiếp theo. Hiện nay, ở tỉnh Phú Yên, chơi bài chòi chủ yếu dùng 11 thẻ cái, 33 thẻ bài con với 3 biến thể mới so với bộ bài gốc: ông ằm gồm có ằm trơn và ằm bâu, tứ cẳng gồm có tứ cẳng trơn và tứ cẳng bâu, cửu điều gồm có cửu điều trơn và cửu điều bâu.

Sức sống di sản Bài Chòi Phú Yên

Hội bài chòi vẫn được những nghệ nhân nặng lòng và tâm huyết giữ gìn

Giữa nhịp sống hiện đại, hội bài chòi vẫn được những nghệ nhân nặng lòng và tâm huyết giữ gìn, vẫn có sức sống bền bỉ, mãnh liệt, len lỏi và hiện hữu từ miền quê đến thành phố. Từ khi hội bài chòi được tổ chức hàng đêm tại Công viên Thanh thiếu niên TP Tuy Hòa, khu vực này trở nên rộn ràng hơn. Màn đêm buông xuống, dưới ánh đèn rực rỡ sắc màu, bà con kéo tới. Người đến chơi, người dừng chân ghé lại để thỏa trí tò mò... Khi anh Hiệu cất tiếng hô: Có chồng thì mặc có chồng/ Còn duyên anh ẵm, anh bồng, anh đưa/ Anh ơi, xin có đừng mơ/ Gái đâu, gái để anh đưa anh bồng, là con “bát bồng”, ai nấy đều im lặng tập trung theo dõi. Cô gái nhỏ nhắn ngồi trên chiếc chòi được dựng bằng tre với cờ hoa, câu đối tứ bề, thích thú cười tít mắt, tay cầm mõ gõ một hồi dài khi trúng bài lần thứ ba. Cô gái vừa vỗ tay vừa đưa mắt nhìn anh Hiệu bưng khay tiền thưởng và chung rượu tới chòi trúng thưa: Đây ly rượu mừng người may mắn/ Chúc em trẻ mãi không già/ Đẹp xinh như bông hoa...

Giữ gìn bản sắc nghệ thuật bài chòi

Cô gái không quên chia sẻ niềm vui với bạn thân ngồi bên cạnh. Cả hai ríu rít nhờ người chụp hình để lưu lại khoảnh khắc đặc biệt. Cô gái ấy tên là Nguyễn Thị Hằng, một du khách từ TP Hồ Chí Minh đến với Phú Yên. Hằng bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia trò chơi dân gian bài chòi. Từ cách trang trí chòi đến cách hô của anh Hiệu đều hấp dẫn và thú vị. Trong cuộc chơi, người thắng hay thua đều vui cười thỏa thích. Đó chính là phần thưởng tinh thần vô giá cho những ai tham gia vào hội đánh bài chòi”.

Người chiến thắng trong trò chơi dân gian bài chòi nhận được lời hát và rượu chúc mừng

Bài chòi Phú Yên trên sân khấu ca kịch

Tại lễ đón bằng UNESCO vinh danh nghệ thuật bài chòi Trung Bộ do tỉnh Phú Yên tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng đã nói đến sức sống mãnh liệt và sự phát triển không ngừng của nghệ thuật bài chòi: “Trong hai cuộc kháng chiến, bài chòi là nghệ thuật chủ lực phục vụ đồng bào, cán bộ, bộ đội ở Liên khu 5. Năm 1954, bài chòi Trung Bộ theo các nghệ nhân bài chòi tập kết ra miền Bắc, được Bộ Văn hóa tập hợp, thành lập Đoàn Ca kịch bài chòi. Từ đó, bài chòi phát triển thành chuyên nghiệp, chính thức trở thành một bộ môn sân khấu trong đại gia đình sân khấu dân tộc Việt Nam”.

Bài chòi phát triển thành chuyên nghiệp chính thức trở thành một bộ môn sân khấu

Từ trò chơi dân gian, bài chòi bước lên sân khấu chuyên nghiệp. Những vở ca kịch bài chòi, dù là diễn tuồng tích xưa hay đương đại, đều chứa đựng bài học sâu sắc về nhân nghĩa, hướng con người đến với những điều tốt đẹp. Theo ông Phan Đình Phùng, các làn điệu, lời ca bình dị, ngọt ngào, vô cùng ý nghĩa của bài chòi đã góp phần tạo nên cốt cách, bản lĩnh và tâm hồn của người dân miền Trung: kiên trung, bất khuất; nhân hậu, thủy chung; lạc quan, sáng tạo và ý chí không ngừng vươn lên trong cuộc sống…

Tham khảo thêm:Bánh xèo Phú Yên

Là một sân khấu nghệ thuật

Bài chòi có mặt ngày càng nhiều trong các cuộc thi, hội diễn và các sân chơi nghệ thuật. Dân ca bài chòi thường tạo ấn tượng bởi sự độc đáo. Mới đây, Sở VH-TT-DL tổ chức Liên hoan Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên lần thứ I, thu hút gần 150 nghệ nhân tham gia, thể hiện nét đẹp văn hóa của từng địa phương qua câu hát bài chòi.

Thể hiện nét đẹp văn hóa

Với năng khiếu bẩm sinh cộng với niềm đam mê và chút “vốn liếng” học được từ các thầy cô cùng những diễn viên chuyên nghiệp, nghệ nhân Bình Thảng cùng với thế hệ đàn anh gây dựng phong trào văn nghệ ở địa phương bằng cách tập hát, tập diễn và tổ chức nhiều buổi diễn các trích đoạn Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương, Phạm Công - Cúc Hoa… để phục vụ dân làng sau những ngày sóng lặng, biển yên, ngư dân được mùa tôm cá. Ông Bình Thảng nhớ lại: “Năm 1987, tôi đã dàn dựng cho Công ty Thủy sản huyện Tuy Hòa tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng ngành đoạt giải nhất với tiểu phẩm Hai mái tóc một tấm lòng. Kết quả đó giúp tôi thêm tự tin, trau dồi và thể hiện khả năng của mình trên sân khấu ca kịch bài chòi”.

Xem thêm:Phúc Thuận Thảo

Món ăn tinh thần Bài chòi Phú Yên

Xu hướng thích nhạc hiện đại hiện nay khiến không ít người không còn mấy mặn mà với âm nhạc truyền thống và ngày càng ít tiếp nhận văn hóa nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên, những người làm chương trình Đờn ca tài tử và dân ca bài chòi của CLB Dân ca - Nhạc cổ thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh vẫn tự tin bởi ở đâu đó vẫn có những người hoài cổ, muốn thưởng thức cái hay, cái đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đằng sau lời ca, tiếng hát là những câu chuyện thấm đẫm niềm vui xen lẫn nỗi buồn với nghề, cuộc sống; mà chỉ những người thực sự yêu và tâm huyết với những làn điệu dân tộc này mới có thể gắn bó lâu dài. Như lời kể của cô Nguyễn Thị Thùy Sang 52 tuổi ở xã An Chấn huyện Tuy An), cuộc sống vẫn còn nhiều bộn bề nhưng tình yêu dành cho những câu vọng cổ, trích đoạn cải lương đã cho cô động lực vượt qua tất cả.

Lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc

Ông Lê Ngọc Cảnh (55 tuổi), Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca Bài chòi huyện Tây Hòa, chia sẻ: “Tôi đam mê dân ca bài chòi từ rất lâu. Khi ấy, tôi học lỏm từ những người đi trước và hát theo. Hơn hai tháng nay, tôi đã “tầm sư học đạo” để vừa học bài bản vừa hâm nóng tình yêu với đam mê của mình. Từ khi chương trình Đờn ca tài tử và dân ca bài chòi được mở ra, tôi và mọi người rất phấn khởi, xem đây là sân chơi, là món ăn tinh thần không thể thiếu”.

Câu chuyện những người đam mê vọng cổ, cải lương hay dân ca bài chòi... không có nhiều sân khấu để có thể sống trọn với niềm đam mê nghệ thuật của mình, từ lâu đã là một nỗi niềm, trăn trở của bao người. Có niềm say mê, năng khiếu với âm nhạc truyền thống đã khó nhưng để nuôi dưỡng và phát triển niềm đam mê ấy lại càng khó hơn gấp bội.

Có thể bạn quan tâm:Bánh hỏi lòng heo

Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO vừa vinh danh môn nghệ thuật của các tỉnh Trung Bộ.

Bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Chiều 7/12, UNESCO tổ chức phiên họp tại Jeju, Hàn Quốc. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã đưa bài chòi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Bài chòi có hai hình thức là chơi bài chòi và trình diễn. Khi chơi bài chòi, người tham gia sử dụng các thẻ bài. Trong các buổi trình diễn, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Họ hát, đối đáp về tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng, những bài học đạo đức.

Phương thức truyền miệng

Nghệ thuật bài chòi chủ yếu được lưu giữ qua phương pháp truyền miệng. Các nghệ nhân được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát từ thế hệ trước trong gia đình. Ngày nay, một số nghệ nhân cũng dạy bài chòi ở các hội nhóm, câu lạc bộ và trường học.

Bài chòi Phú Yên trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hồi tháng 11/2014. Cũng trong năm này, tỉnh Bình Định được giao chủ trì kế hoạch xây dựng hồ sơ văn hóa phi vật thể Tục chơi bài chòi mùa xuân của người Việt để đệ trình lên UNESCO.

Hỗ trợ tư vấn ngay
Từ khóa
Bài viết liên quan
Phú Yên Tổ Chức Sự Kiện Tuần Văn Hóa 2019Vẻ Đẹp Núi Nhạn - Biểu Tượng Phú Yên [MỚI 100%]Hoa Hậu Doanh Nhân Phú Yên